Sài Gòn, thanh âm vô ngôn và những chiếc vá lẻng kẻng (kỳ 2)

Nếu được hỏi người giàu sợ nhất điều gì chắc có lẽ là sợ mắc bệnh, cũng đúng thôi vì đối với người giàu ngoài tiền ra thì còn sợ gì nữa đâu. Cùng câu hỏi, người nghèo sợ điều gì thì cũng có lẽ là sợ bệnh và sợ hơn khi vừa bệnh lại vừa nghèo. Người ta vẫn hay nói câu “Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo” chúng ta tự cho rằng người nghèo sẽ dễ khóc hơn nhưng cũng đâu ai chắc chắn là sẽ rơi lệ vì hoa của người giàu đâu. 

Trong cơn mưa tầm tã, gió giật ầm ầm, tiếng kim loại xoang xoảng, tiếng chân rầm rập phá tan màn đêm thinh lặng của phòng cấp cứu bệnh viện. Trong cơn mê man do “di chứng” sau liều thuốc tê, tôi vẫn nghe được văng vẳng bên tai tiếng bim bíp của máy đếm nhịp tim, tiếng thút thít của giọng nữ trung niên giường bên cạnh. Ở Sài Gòn khoảng cách giàu nghèo được rút ngắn dần khi ở trong bệnh viện. Cũng chỉ ở Sài Gòn, người ta mới cảm nhận được nỗi sợ hãi của tiếng dao kéo xô lệch, va chạm vào nhau, tiếng sụt sùi hay vỡ oà, hay “âm thanh thinh lặng” của máy đếm nhịp tim. Đến cuối cùng, khi hơi thở hóa thành thinh không cũng là lúc chẳng còn ranh giới giàu nghèo nữa. 

— 

Vài năm trước, trong một lần dọn nhà tôi phát hiện ra trong kho còn một cuốn album đĩa nhạc cũ. Cầm từng chiếc đĩa, ngắm nghía, đọc lại tên bài hát từng một thời làm mưa làm gió của thế hệ cuối 8x – đầu 9x. Giờ đây, nhiều lúc thèm được tận hưởng cái thi vị của xóm nghèo. Chiều chiều, đang nằm trong nhà tự nhiên nghe ai đó hát lên văng vẳng đầu hẻm. Hoá ra cái giọng đớt quê trớt của người bán đĩa dạo. Có thể nói, thế hệ của tôi là thế hệ may mắn nhất khi là thời kỳ chuyển giao giữa cái cũ và cái mới, được trải nghiệm đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc của “giai điệu thị thành”. Đó là thứ văn hoá đặc sản tân thời của Sài Gòn, sự chuyển giao từ cát-xét sang đĩa nhạc. Và những chiếc xe bán dĩa dạo đã mang cái huy hoàng còn rớt lại vào tiềm thức những đứa con nít chúng tôi ngày xưa. Những xe nhạc rong đó như một nồi lẩu âm nhạc thập cẩm, hội tụ đầy đủ mọi thể loại “có thể phát ra âm thanh”. Từ cải lương, bolero, nhạc trẻ cho đến disco xập xình hay những tiểu phẩm hài hải ngoại và có những bản nhạc xưa tưởng chừng như biến mất đã được phát lại qua những “phòng trà di động” ấy. 

“Thà như thế thà rằng như thế. Thà đừng cố níu kéo nát tan lòng nhau chi hỡi em…” là câu hát siêu viral của tượng đài giới trẻ một thời hay tiểu phẩm hài “Lên chùa bán nhang” được phát đi phát lại, phá tan sự bình yên của xóm lao động. Mọi thứ đã tạo nên một buổi đại nhạc hội bình dân “hoành tráng lệ” đầu tiên trong ký ức mỗi đứa chúng tôi. Âm thanh từ những giai điệu ấy len lỏi vào huyết mạch thị thành, nuôi dưỡng chúng để rồi dần dà nghiễm nhiên trở thành ký ức mới của Sài Gòn.

— 

Trong một buổi cà phê cùng nhóm bạn cũ, đối với lứa thế hệ chúng tôi, câu chuyện bây giờ chỉ xoay quanh 2 chủ đề chính đó là cuộc sống hiện tại và ôn chuyện quá khứ. 

  • Giờ mọi thứ đều tiện lợi, chỉ cần có tiền là muốn ăn gì cũng có, đặt qua app vài phút là có đồ ăn ngay.
  • Đúng là tiện lợi thiệt nhưng tụi mày có biết vẫn có một thứ không thể thay thế được đó là gì không?

Cả đám đều ngơ ngác nhìn nhau, vặn óc suy nghĩ vẫn không thể nghĩ ra đó là gì. 

  • Đó là tiếng rao!

Thiệt, Sài Gòn mà thiếu tiếng rao thì không còn là Sài Gòn nữa. Một loại thanh âm hoa lệ nơi thị thành một thời huy hoàng bậc nhất Đông Dương, giờ đây đã trôi theo tiếng thở dài thườn thượt của mấy đứa trẻ chúng tôi từ lúc nào chẳng ai hay.

Còn nhớ khi trời vừa tờ mờ sáng, có một tiếng rao đặc trưng “signature” mà bất kỳ đứa trẻ nào lớn lên ở đất Sài thành đều đã nghe qua: “Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon, một ngàn một ổ”. Chiếc bánh mì nóng hổi ốm tong teo, giòn rụm, “cắn một phát” nghe rôm rốp. Bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của sữa “trôi tuột” vào cổ họng, cái hương béo ngậy xồng xộc lên mũi tạo nên một thứ “đặc sản chết người”. Còn nữa, “Ai ăn chè đậu đen nước dừa đường cát hôn?”, “Bánh cam đây…”, “Ai bánh bao nóng nào… Bánh bao nóng đây”,… cũng đã in hằn trong tâm trí nhiều người.

Ngày xưa ít xe cộ, đường thông thoáng hơn bây giờ. Có lẽ cũng chính vì thế vào mỗi cuối năm, mọi người có thể cảm nhận rõ cái se lạnh của đông Sài Gòn. Nhắc đến lại thèm tàu hủ nóng, lại nhớ tiếng rao: “Tàu hũ đây… Tàu hũ nóng đây…”.  Tối đến thì không thể thiếu âm thanh miệt vườn thuộc “Chưng, giò, tét, gai hôn?” Vừa khó hiểu, vừa thú vị, pha lẫn chút hài hước như chính cái cốt cách vốn có của người Sài Gòn vậy.

Ngoài ra còn có loại thanh âm thay cho tiếng rao lúc bấy giờ. Có thể kể đến bài hát làm lưu luyến tụi con nít trong xóm, bản nhạc không lời ấy chỉ cần cất lên vài nốt đã tạo nên một thứ giai điệu đi vào huyền thoại “Không có tiền, không có tiền, không có tiền thì không có kem”. Chiếc xe bán kem đã chở tuổi thơ của biết bao thế hệ, chứa đựng cả một thiên đường mát lạnh, đủ mùi, đủ vị.

Sài Gòn được mệnh danh là thành phố không ngủ của cả nước. Từ tiếng nhạc xập xình của những quán bar, vũ trường xa hoa, lộng lẫy. Cho đến tiếng cụng ly côm cốp, tiếng cười nói rôm rả phát ra từ các quán nhậu bình dân ven đường. Dìm cuộc đời trong hơi men, có thể là cách khỏa lấp nỗi buồn, có thể là “cụng nhịp” niềm vui hoặc cũng có thể là vì… sở thích. Dù là gì đi nữa, vẫn còn một thứ thanh âm vô ngôn lướt qua vô thường, trong hân hoan hoa lệ của thành thị về khuya – “tiếng thở” của Sài Gòn. Đó là tổng hợp của tất cả âm thanh nơi đất thị thành số 1 cả nước. Tôi chưa thể hình dung được nếu một ngày không còn nghe tiếng thở ấy cả Sài Gòn sẽ như thế nào. Thành phố chìm vào im lặng, tiếng động cơ thường nhật cũng thiu thiu trong cơn ngái ngủ, lúc đó có còn là Sài Gòn nữa không hay nó đã biến thành vùng đất câm lặng “chết đuối ngay trên cạn”. Đến bây giờ tôi đã phần nào hiểu được “tiếng cuộc sống” đó là gì. 

Năm đó, tôi vừa qua 25 – chưa đủ lớn để hiểu hết mọi thứ, nhưng cũng đủ trải nghiệm để cảm nhận Sài Gòn theo một cách khác. Để giờ khi đã gần 30, thứ “âm thanh” đó cứ lẩn quẩn, văng vẳng trong đầu. Lúc trầm, lúc bổng, lúc vui tươi, lúc u sầu như chính cuộc sống, con người nơi đây vậy.

Đón đọc kỳ 1 ‘Sài Gòn, thanh âm vô ngôn và những chiếc vá lẻng kẻng’ tại đây

#Reject2Project là series các bài viết mình bị khách hàng từ chối và mình viết thêm 1 số bài mới theo chủ đề của từng series, tạo thành bộ sưu tập làm kỷ niệm. Series thuộc personal project, được đăng trên kênh KÊ BI blog tuỳ theo cái nư của tác giả.

Leave a comment